Tây Tiến (Quang Dũng)

I. Tiểu dẫn

- Tên khai sinh: Bùi Đình Diệm (bút danh Quang Dũng), sinh năm 1921, mất năm 1988.

- Quê quán Phương Trì, Đan Phượng, Hà Tây.

- Xuất thân trong một gia đình nho học.

- Là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh soạn nhạc.

- Tác phẩm tiêu biểu: Mây đầu ô (thơ, 1986), Thơ văn Quang Dũng (tuyển thơ văn, 1988).

II. Văn bản (SGK)

- Bài thơ bao gồm bốn đoạn:

 +Nội dung đoạn 1 là nỗi nhớ khung cảnh chiến trường Tây Tiến, chiến trường vừa dữ dội, ác liệt lại vừa thơ mộng, trữ tình.

+ Nội dung đoạn 2 miêu tả cảnh đêm liên hoan ở vùng biên giới Việt Lào tưng bừng, rộn rã và cảnh sông nước Châu Mộc huyền ảo, thơ mộng trong nỗi nhớ của tác giả.

 + Nội dung đoạn 3 là chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà hào hoa với lí tưởng đẹp “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, với cái chết bất tử đầy bi tráng.

 + Nội dung đoạn 4 hồi ức về Tây Tiến và khẳng định người Tây Tiến vẫn gắn bó với “Tây Tiến mùa xuân ấy” của một thời đánh giặc anh hùng.

 - Mạch liên kết giữa các đoạn văn chính là nỗi nhớ của nhà thơ về chiến trường và những đồng đội từng gắn bó với một thời kỳ gian khổ mà hào hùng. Nỗi nhớ ấy đã liên kết mạch thơ trong từng đoạn với nhau để thành bài ca Tây Tiến của một thời kỳ lịch sử không thể nào quên. Nỗi nhớ khung cảnh chiến trường đến những vùng đất đã đi qua đầy kỉ niệm đã hội tụ lại trong chân dung người lính Tây Tiến vì hồn các anh vẫn gắn bó mãi mãi với mùa xuân của chiến trường.

 - Bức tranh thiên nhiên ở đoạn 1 với khung cảnh chiến trường Tây Tiến vừa hùng vĩ, dữ dội, lại vừa thơ mộng, trữ tình được Quang Dũng miêu tả thông qua thủ pháp nghệ thuật đối lập về hình ảnh, nhịp điệu, thanh điệu.

 - Bức tranh thiên nhiên ở đoạn 2 bổ sung cho bức tranh Tây Tiến thêm hoàn mĩ với những sắc màu đầy ấn tượng, khó quên. Đó là bức tranh đẹp và thanh bình, ngỡ như không còn tiếng súng, không còn chiến tranh, chết chóc.

- Hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn 3 đầy ấn tượng, được cô đúc lại trong tám câu thơ hàm súc, giàu sức gợi cảm và hàm chứa ý nghĩa. Quang Dũng miêu tả rất thật những đồng đội của anh (đoàn quân Tây Tiến không mọc tóc, da xanh màu lá...) nhưng lại đem đến cho họ một vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa và bi tráng trong hai câu thơ miêu tả sự hi sinh bất tử của các anh.

- Nỗi nhớ Tây Tiến trong đoạn 4 là hồn người Tây Tiến vẫn gắn với “Tây Tiến mùa xuân ấy”, gắn với những ngày tháng đẹp nhất của đoàn quân Tây Tiến, một đoàn quân đã đi vào lịch sử của dân tộc.