Sóng (Xuân Quỳnh)
I. Tiểu dẫn
- Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988), quê ở La Khê, Hà Đông, Hà Tây.
- Tác phẩm tiêu biểu: Tơ tằm - Chồi biếc (1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989)…
- Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967 và in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào.
II. Văn bản (SGK)
1. Âm điệu, nhịp điệu bài thơ
Âm điệu, nhịp điệu bài thơ xao xuyến, rộn ràng, được tạo bởi câu thơ ngắn, đều (5 chữ); vần thơ gồm vần chân, vần cách…gợi hình ảnh các lớp sóng đuổi nhau.
2. Hình tượng bao trùm xuyên suốt bài thơ
- Hình tượng sóng được gợi lên từ âm hưởng sóng biển dạt dào, song song cùng hình tượng “sóng" là “em" hình tượng đẹp đẽ để diễn tả tình yêu.
- Ở khổ 1 và 2, sóng được đặt trong trạng thái đối lập: dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ gợi sự liên tưởng đến trạng thái tâm lí của tình yêu. Sóng không chấp nhận được sự nhỏ hẹp của dòng sông mà tỏa ra biển cả. Bước đi của sóng là hành trình tìm đến khát vọng chân – thiện – mỹ, khát vọng muôn đời của con người.
- Khổ 3 và 4, từ hình tượng sóng nhà thơ đã nhận thức về tình yêu sánh ngang biển lớn, sánh ngang cuộc đời. Với hình thức nghi vấn, nhà thơ thể hiện nỗi băn khoăn đi tìm cội nguồn của sóng, của tình yêu nhưng bất lực vì đó chính là quy luật của tình yêu.
- Ở khổ 5 và 6, nỗi nhớ trong tình yêu được diễn tả bằng những liên tưởng so sánh độc đáo, nỗi nhớ thường trực khi thức, khi ngủ, da diết, mãnh liệt. Trong nỗi nhớ da diết, tác giả đặt niềm tin son sắt vào tình yêu - cuộc sống, tình yêu nào rồi cũng đến bến bờ hạnh phúc.
- Ở khổ 8, câu thơ mang màu sắc triết lí, thể hiện sự lo âu, trăn trở, ý thức về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh khó bền của chặt của tình yêu, hạnh phúc.
- Khổ 9 là ước nguyện chân thành được hòa mình vào biển lớn, vào cuộc đời thông qua khát vọng sống hết mình cho tình yêu với sự hi sinh, dâng hiến.
3. Giữa sóng và em trong bài thơ có quan hệ như thế nào?
- Giữa sóng và em có quan hệ tương đồng vì các chi tiết về sóng chính là những chi tiết ẩn dụ cho tình yêu và tâm hồn nhân vật “em".
- Kết cấu bài thơ là kết cấu liền mạch của suy nghĩ và cảm xúc của cô gái nhìn ra biển cả, quan sát biển, suy nghĩ về tình yêu, cô nhận thấy tình yêu cũng giống như sóng biển, đa dạng, biến hóa, mạnh mẽ và thuỷ chung.
+ Đoạn 1 gồm 4 câu đầu (ngẫu hứng về con sóng và tình yêu).
+ Đoạn 2, khổ 2, 3 (lí do, nguyên cớ của cảm hứng về sóng biển và tình yêu).
+ Đoạn 3, từ khổ 5 đến khổ 8 (nối tiếp cảm hứng về sóng biển và tình yêu).
+ Đoạn 4, khổ cuối (kết thúc bài thơ bằng ước vọng tình yêu vĩnh hằng).
- Người con gái đang yêu tìm thấy sự tương đồng giữa các trạng thái tâm hồn với những con sóng là sự đa dạng, muôn hình muôn vẻ; không rõ cội nguồn, không thể cắt nghĩa nhưng cảm xúc lại mãnh liệt, sâu sắc.
- Với nghệ thuật xây dựng hình tượng sóng đôi: sóng và em - âm điệu dào dạt... Sóng là bản tình ca về tình yêu chân thành, mãnh liệt, thủy chung.
4. Bài thơ là tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu mãnh liệt, thủy chung và khao khát hạnh phúc vững bền.