Bài 42: Nồng độ dung dịch
I. NỒNG ĐỘ PHẦN TRĂM CỦA DUNG DỊCH
1. Định nghĩa
Nồng độ phần trăm (kí hiệu $C\%$) của một dung dịch cho ta biết số gam chất tan có trong 100 gam dung dịch.
2. Công thức
$C\% = \frac {m_{ct}}{m_{dd}} \times 100\%$
Trong đó:
$m_{ct}:$ là khối lượng chất tan, tính bằng gam (g)
$m_{dd}:$ là khối lượng dung dịch, tính bằng gam (g)
Khối lượng dung dịch = khối lượng chất tan + khối lượng dung môi
3. Ví dụ
$\bullet \,\,$Ví dụ 1:
Hòa tan 15g $NaCl$ vào 45g nước. Tính nồng độ phần trăm của dung dịch.
- Khối lượng dung dịch $NaCl:$
$m_{dd} = 15 + 45 = 60\,(g)$
- Nồng độ phần trăm của dung dịch $NaCl:$
$C\% = \frac {15}{60} \times 100\% = 25\%$
$\bullet \,\,$Ví dụ 2:
Cho dung dịch $H_{2}SO_{4}$ có nồng độ 14%. Tính khối lượng $H_{2}SO_{4}$ có trong 150g dung dịch.
- Khối lượng $H_{2}SO_{4}$ có trong 150g dung dịch 14% là:
$m_{H_{2}SO_{4}} = \frac {14\, \times \,150}{100} = 21\,(g)$
$\bullet \,\,$Ví dụ 3:
Hòa tan 50g đường vào nước, được dung dịch đường có nồng độ 25%. Tính:
a) Khối lượng dung dịch đường pha chế được.
b) Khối lượng nước cần dùng cho sự pha chế.
Giải:
- Khối lượng dung dịch đường pha chế được:
$m_{dd} = \frac {100\, \times \,50}{25} = 200\,(g)$
- Khối lượng nước cần dùng cho sự pha chế:
$m_{dm} = 200 - 50 = 150\,(g)$
II. NỒNG ĐỘ MOL CỦA DUNG DỊCH
1. Định nghĩa
Nồng độ mol (kí hiệu là $C_{M}$) của dung dịch cho biết số mol chất tan có trong 1 lít dung dịch.
2. Công thức
$C_{M} = \frac {n}{V}\,\,(mol/l)$
Trong đó:
$n:$ số mol chất tan (mol)
$V:$ thể tích dung dịch, tính bằng lít (l)
3. Ví dụ
$\bullet \,\,$Ví dụ 1:
Trong 200ml dung dịch có hòa tan 16g $CuSO_{4}.$ Tính nồng độ mol của dung dịch.
- Số mol $CuSO_{4}$ có trong dung dịch:
$n_{CuSO_{4}} = \frac {16}{160} = 0,1\,(mol)$
- Nồng độ mol của dung dịch $CuSO_{4}:$
$C_{M} = \frac {0,1}{0,2} = 0,5\,(mol/l)$ hoặc viết là $0,5\,M$
$\bullet \,\,$Ví dụ 2:
Trộn 2 lít dung dịch đường 0,5M với 3 lít dung dịch đường 1M. Tính nồng độ mol của dung dịch đường sau khi trộn.
- Số mol đường có trong dung dịch 1:
$n_{1} = 0,5 \times 2 = 1\,(mol)$
- Số mol đường có trong dung dịch 2:
$n_{2} = 1 \times 3 = 3\,(mol)$
- Thể tích của dung dịch đường sau khi trộn:
$V = 2 + 3 = 5\,(l)$
- Nồng độ mol của dung dịch đường sau khi trộn:
$C_{M} = \frac {3\,+\,1}{5} = \frac {4}{5} = 0,8\,(M)$