Bài 33. Gây đột biến nhân tạo trong chọn giống

I. GÂY ĐỘT BIẾN NHÂN TẠO BẰNG TÁC NHÂN VẬT LÍ

1. Các tia phóng xạ

- Tia phóng xạ như: tia $X,$ tia gamma $(\gamma),$ tia anpha $(\alpha),$ tia bêta $(\beta)...$

- Cách tiến hành: Chiếu tia hoặc chùm tia phóng xạ khi xuyên qua màng, mô (xuyên sâu) sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên ADN trong tế bào.

- Kết quả: Gây đột biến gen hoặc làm chấn thương NST gây đột biến ở NST. 

- Ứng dụng: Trong chọn giống thực vật:

+ Chiếu xạ vào hạt nảy mầm, đỉnh sinh trưởng.

+ Mô thực vật nuôi cấy.

2. Tia tử ngoại

- Cách tiến hành: Chiếu tia, chùm tia tử ngoại xuyên qua màng, mô (xuyên nông).

- Kết quả: Gây đột biến gen.

- Ứng dụng: Xử lí vi sinh vật bào tử và hạt phấn.

3. Sốc nhiệt

- Cách tiến hành: Tăng hoặc giảm nhiệt độ môi trường đột ngột.

- Kết quả:

+ Mất cơ chế tự bảo vệ sự cân bằng.

+ Tổn thương thoi phân bào $\longrightarrow$ rối loạn phân bào.

+ Đột biến số lượng NST

- Ứng dụng: Gây hiện tượng đa bội thể ở một số cây trồng.

II. GÂY ĐỘT BIẾN NHÂN TẠO BẰNG TÁC NHÂN HÓA HỌC

- Hóa chất thường được sử dụng: EMS, NMU, NEU, cônsixin...

- Phương pháp: Ngâm hạt khô, hạt nảy mầm vào dung dịch hóa chất; tiêm dung dịch vào bầu nhụy; tẩm dung dịch vào bầu nhụy;...

- Tác nhân hóa chất gây đột biến gen hoặc đột biến NST, hứa hẹn nhiều khả năng chủ động điều khiển hướng đột biến hơn tác nhân phóng xạ.

- Ứng dụng trong chọn giống đối với vi sinh vật và cây trồng.

III. SỬ DỤNG ĐỘT BIẾN NHÂN TẠO TRONG CHỌN GIỐNG

1. Trong chọn giống vi sinh vật

- Phổ biến là gây đột biến và chọn lọc, mục đích:

+ Chọn các thể đột biến tạo ra chất có hoạt tính cao.

+ Chọn thể đột biến sinh trưởng mạnh, để tăng sinh khối ở nấm men và vi khuẩn.

+ Chọn các thể đột biến giảm sức sống, không còn khả năng gây bệnh để sản xuất vacxin.

2. Trong chọn giống cây trồng

- Chọn các đột biến có lợi, nhân thành giống mới hoặc dùng làm bố mẹ để lai tạo giống.

- Chú ý các đột biến: Kháng bệnh, khả năng chống chịu, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

3. Đối với vật nuôi

- Chỉ sử dụng các nhóm động vật bậc thấp.

- Các động vật bậc cao: cơ quan sinh sản nằm sâu trong cơ thể, dễ gây chết khi xử lí bằng tác nhân lí hóa.