Bài 32: Chuyển hóa
I. CHUYỂN HÓA VẬT CHẤT VÀ NĂNG LƯỢNG
- Mọi hoạt động sống của cơ thể đều gắn chặt với hoạt động sống của các tế bào và đều cần năng lượng.
Ví dụ: Cây xanh quang hợp tạo ra chất hữu cơ, tích lũy năng lượng. Người và động vật lấy chất hữu cơ trực tiếp từ thực vật hoặc động vật để xây dựng cơ thể, tích lũy và sử dụng năng lượng cho hoạt động sống.
- Trong tế bào, quá trình biến đổi các chất đơn giản thành các chất đặc trưng có cấu trúc phức tạp và tích lũy năng lượng, đồng thời xảy ra sự ôxi hóa các chất phức tạp thành các chất đơn giản và giải phóng năng lượng gọi là quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng.
- Quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra ở tế bào bao gồm hai mặt là đồng hóa và dị hóa.
+ Đồng hóa là quá trình tổng hợp từ các nguyên liệu đơn giản sẵn có trong tế bào thành những chất đặc trưng của tế bào và tích lũy năng lượng trong các liên kết hóa học.
+ Dị hóa là quá trình phân giải các chất được tích lũy trong quá trình đồng hóa thành các chất đơn giản, bẻ gãy các liên kết hóa học để giải phóng năng lượng, cung cấp cho mọi hoạt động sống của tế bào.
$\Longrightarrow$ Kết luận:
- Đồng hóa là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ và tích lũy năng lượng.
- Dị hóa là quá trình phân giải các chất hữu cơ và giải phóng năng lượng.
- Mối quan hệ giữa đồng hóa và dị hóa:
+ Sản phẩm của đồng hóa là nguyên liệu của dị hóa và ngược lại.
+ Do đó, năng lượng được tích lũy ở đồng hóa sẽ được giải phóng trong quá trình dị hóa để cung cấp trở lại cho hoạt động tổng hợp của đồng hóa. Hai quá trình này trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau nhưng thống nhất với nhau.
+ Nếu không có đồng hóa thì không có nguyên liệu cho dị hóa và ngược lại không có dị hóa thì không có năng lượng cho hoạt động đồng hóa.
- Tỉ lệ giữa đồng hóa và dị hóa thay đổi theo độ tuổi, giới tính và trạng thái cơ thể:
+ Theo độ tuổi: Ở trẻ em, cơ thể đang lớn, quá trình đồng hóa lớn hơn dị hóa; ngược lại, ở người già, quá trình dị hóa lại lớn hơn đồng hóa.
+ Theo trạng thái cơ thể: Vào thời điểm lao động, dị hóa lớn hơn đồng hóa; ngược lại, lúc nghỉ ngơi, đồng hóa mạnh hơn dị hóa.
II. CHUYỂN HÓA CƠ BẢN
- Chuyển hóa cơ bản là năng lượng tiêu dùng khi cơ thể ở trạng thái hoàn toàn “nghỉ ngơi” (sau khi ăn ít nhất 12 giờ, cơ thể nằm nghỉ không cử động, chỉ một phần năng lượng tiêu tốn cho hoạt động của tuần hoàn, hô hấp và bài tiết, còn phần lớn để duy trì thân nhiệt). Đó là năng lượng duy trì sự sống được tính bằng kJ trong 1 giờ đối với 1 kg khối lượng cơ thể.
- Ý nghĩa của việc xác định chuyển hóa cơ bản: Người ta đã xác định được 1 thang chuyển hóa cơ bản của các lứa tuổi khác nhau ở trạng thái bình thường. Khi kiểm tra chuyển hóa cơ bản ở một người, nếu sự chênh lệch quá lớn thì người đó đang ở trạng thái bệnh lí.
III. ĐIỀU HÒA SỰ CHUYỂN HÓA VẬT CHẤT VÀ NĂNG LƯỢNG
- Sự chuyển hóa vật chất và năng lượng của cơ thể phụ thuộc vào sự điều khiển của hệ thần kinh và các hoocmôn do tuyến nội tiết tiết ra (cơ chế thần kinh và cơ chế thể dịch).
- Ở não bộ có những trung khu điều khiển sự trao đổi gluxit, lipit, nước, muối khoáng và điều hòa sự tăng giảm nhiệt độ cơ thể. Các hoocmôn như insulin, glucagôn đổ vào máu cũng có vai trò điều tiết quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng.
$\Longrightarrow$ Quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng được điều hòa bằng hai cơ chế: thần kinh và thể dịch.