Bài 28. Trào lưu cải cách Duy tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX

I. TÌNH HÌNH VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỈ XIX

- Vào những năm 60 của thế kỉ XIX, trong khi thực dân Pháp ráo riết mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Nam Kì, chuẩn bị tấn công đánh chiếm cả nước ta thì triều đình Huế vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách nội trị, ngoại giao lỗi thời, lạc hậu khiến cho kinh tế, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

- Bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trở nên mục ruỗng; nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đình trệ, tài chính cạn kiệt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Mâu thuẫn giai cấp và mau thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt thêm.

+ Phong trào khởi nghĩa nông dân lại tiếp tục bùng nổ dữ dội, năm 1862, Nguyễn Thịnh (Cai tổng Vàng) nổi dậy ở Bắc Ninh, tháng 9/1862, đồng bào Thổ dưới sự chỉ huy của Nông Hùng Thạc nổi dậy ở Tuyên Quang.

+ Phía Bắc Thái Nguyên có nhiều nhóm thổ phỉ người Trung Quốc như Lý Đại Xương, Hoàng Nhị Văn, Lưu Sĩ Anh… hoành hành.

+ Từ năm 1861 – 1865 xảy ra cuộc bạo loạn của Tạ Văn Phụng ở vùng ven biển.

+ Năm 1866, tại Huế nổ ra khởi nghĩa của binh lính và dân phu với sự tham dự của một số sĩ phu, quan lại quý tộc… càng đầy đất nước vào tình trạng rối ren.

- Trong bối cảnh đó, các trào lưu cải cách duy tân ra đời.

II. NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH Ở VIỆT NAM VÀO NỬA CUỐI THẾ KỈ XIX

Trước tình trạng đất nước ngày một nguy khốn, đồng thời xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, muốn cho nước nhà giàu mạnh, có thể đương đầu với cuộc tấn công ngày càng dồn dập của kẻ thù, một số quan lại, sĩ phu yêu nước thức thời đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị yêu cầu đổi mới công việc nội trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá của nhà nước phong kiến.

+ Năm 1868, Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế xin mở cửa biển Trà Lí (Nam Định). Đinh Văn Điền xin đẩy mạnh việc khai khẩn ruộng hoang và khai mỏ, phát triển buôn bán, chấn chỉnh quốc phòng.

+ Năm 1872, Viện Thượng bạc xin mở ba cửa biển ở miền Bắc và miền Trung để thông thương với bên ngoài.

+ Đặc biệt, từ năm 1863 đến 1871, Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần, đề cập đến một loạt vấn đề như chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công, thương nghiệp và tài chính, chỉnh đốn võ bị, mở rộng ngoại giao, cải tổ giáo dục…

+ Vào các nằm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch còn dâng hai bản “Thời vụ sách” lên vua Tự Đức đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước.

III. KẾT CỤC CỦA CÁC ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH

- Trong bối cảnh bế tắc của xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XIX, một số sĩ phu, quan lại đã vượt qua những luật lệ hà khắc, sự nghi kị, ghen ghét, thậm chí nguy hiểm tính mạng để đưa ra những đề nghị cải cách nhằm canh tân đất nước.

- Tuy nhiên, các đề nghị cải cách vẫn mang tính chất lẻ tẻ, rời rạc, chưa xuất phát từ những cơ sở bên trong, chưa động chạm tới những vấn đề cơ bản của thời đại là giải quyết hai mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược và giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

- Triều đình phong kiến Nguyễn bảo thủ, bất lực trong việc thích ứng với hoàn cảnh nên đã không chấp nhận những thay đổi và từ chối mọi sự cải cách, kể cả những cải cách hoàn toàn có khả năng thực hiện. Điều này đã làm cản trở sự phát triển của những tiền đề mới, khiến xã hội vẫn chỉ lẩn quẩn trong vòng bế tắc của chế độ thuộc địa nửa phong kiến.

- Dù không thành hiện thực, song những tư tưởng cải cách cuối thế kỉ XIX đã gây được tiếng vang lớn, ít nhất cũng đã dám tấn công vào những tư tưởng bảo thủ và phản ánh trính độ nhận thức mới của những người Việt Nam hiểu biết, thức thời.

- Tư tưởng cải cách cuối thế kỉ XIX đã góp phần vào việc chuẩn bị cho sự ra đời phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.