Bài 26: Oxit
I. ĐỊNH NGHĨA
- Oxit là hợp chất của hai nguyên tố, trong đó có một nguyên tố là oxi.
Ví dụ: sắt từ oxit Fe3O4, lưu huỳnh đioxit SO2,…
II. CÔNG THỨC
- Công thức chung của oxit: MxOy gồm M là nguyên tố khác (có hóa trị n) kèm theo chỉ số x và O là kí hiệu oxi (hóa trị II) kèm theo chỉ số y.
- Theo quy tắc hóa trị, ta có: n×x=II×y
III. PHÂN LOẠI
Oxit gồm 2 loại chính: Oxit bazơ và Oxit axit.
a) Oxit axit
- Thường là oxit của phi kim và tương ứng với một axit.
Ví dụ: SO3, CO2, P2O5…
SO3 tương ứng với axit sunfuric H2SO4
CO2 tướng ứng với axit cacbonic H2CO3
P2O5 tương ứng với axit photphoric H3PO4
b) Oxit bazơ
- Thường là oxit của kim loại và tương ứng với một bazơ.
Ví dụ: Na2O, CaO, CuO, MgO, K2O…
Na2O tương ứng với bazơ natri hiđroxit NaOH
CaO tương ứng với bazơ canxi hiđroxit Ca(OH)2
CuO tương ứng với bazơ đồng hiđroxit Cu(OH)2
IV. CÁCH GỌI TÊN
∙Quy tắc chung:
Tên oxit = Tên nguyên tố + oxit
Ví dụ:
Na2O đọc là: natri oxit
NO đọc là: nitơ oxit
∙Lưu ý cách đọc tên Oxit bazơ:
- Nếu kim loại có nhiều hóa trị
Tên oxit bazơ = tên kim loại (kèm hóa trị) + oxit
Ví dụ:
FeO đọc là: Sắt (II) oxit
Fe2O3 đọc là: Sắt (III) oxit
∙Lưu ý cách đọc tên Oxit axit:
- Nếu phi kim có nhiều hóa trị
Tên oxit axit = tên phi kim (kèm tiền tố chỉ số nguyên tử phi kim) + oxit (kèm tiền tố chỉ số nguyên tử oxi)
- Dùng các tiền tố (tiếp đầu ngữ) để chỉ số nguyên tử:
+ “Mono” nghĩa là 1
+ “Đi” nghĩa là 2
+ “Tri” nghĩa là 3
+ “Tetra” nghĩa là 4
+ “Penta” nghĩa là 5
Ví dụ:
CO: cacbon monooxit, nhưng thường đơn giản đi, gọi là cacbon oxit
CO2: cacbon đioxit (thường gọi là khí cacbonic)
SO2: lưu huỳnh đioxit (thường gọi là khí sunfurơ)
SO3: lưu huỳnh trioxit
P2O3: điphotpho trioxit
P2O5: điphotpho pentaoxit