Bài 25 : Lịch sử phát triển của tự nhiên Việt Nam
1. GIAI ĐOẠN TIỀN CAMBRI
- Là giai đoạn đầu tiên hình thành lãnh thổ nước ta và kết thúc cách đây khoảng 542 triệu năm.
- Đại bộ phận lãnh thổ nước ta còn là biển, phần đất liền là những mảng nền cổ nằm rải rác trên mặt biển nguyên thủy.
- Sinh vật rất ít và đơn giản, bầu khí quyển ít ôxi.
$\Longrightarrow $ Đây là giai đoạn lập nền móng sơ khai của lãnh thổ Việt Nam.
2. GIAI ĐOẠN CỔ KIẾN TẠO
- Giai đoạn này diễn ra trong hai đại Cổ sinh và Trung sinh, kéo dài 500 triệu năm và cách ngày nay ít nhất là 65 triệu năm.
- Trong giai đoạn này, phần lớn lãnh thổ nước ta đã trở thành đất liền; một số dãy núi được hình thành do các cuộc vận động tạo núi; xuất hiện các khối núi đá vôi và các bể than đá lớn, tập trung ở miền Bắc nước ta và còn rải rác ở một số nơi.
- Sinh vật chủ yếu là bò sát, khủng long và cây hạt trần.
$\Longrightarrow $ Giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển, mở rộng và ổn định lãnh thổ.
3. GIAI ĐOẠN TÂN KIẾN TẠO
- Giai đoạn này diễn ra trong đại Tân sinh, cách đây khoảng 25 triệu năm và là giai đoạn rất quan trọng đối với nước ta cũng như thế giới.
- Địa hình nước ta được nâng cao; hình thành các cao nguyên badan, các đồng bằng phù sa, các bể dầu khí, tạo nên diện mạo hiện tại của lãnh thổ nước ta.
- Sinh vật phát triển phong phú và hoàn thiện. Cây hạt kín và động vật có vú giữ vai trò thống trị.
- Sự kiện nổi bật trong giai đoạn Tân kiến tạo là sự xuất hiện của loài người trên Trái Đất. Ở Việt Nam, con người đã có mặt từ rất sớm, đánh dấu một thời đại mới trong lịch sử tự nhiên nước ta.
$\Longrightarrow $ Điểm nổi bật của giai đoạn này là nâng cao địa hình, hoàn thiện giới sinh vật.