Bài 11. Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới lần hai
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một trật tự thế giới mới được xác lập: “Trật tự hai cực I-an-ta” do Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi cực. Sự phân chia thành hai phe tư bản chủ nghĩa vã xã hội chủ nghĩa đã được trở thành đặc trưng lớn nhất, chi phối tình hình chính trị thế giới.
I. Sự hình thành trật tự thế giới mới
- Từ ngày 4 đến 11/2/1945, ba nguyên thủ các nước Liên Xô, Mĩ, Anh đã có cuộc gặp gỡ ở I-an-ta (Liên Xô). Thành phần gồm Tổng thống Mĩ (Ru-dơ-ven), Thủ tướng Anh (Sớc-sin) và Tổng Bí thư Liên Xô (Xta-lin).
- Hội nghị đã thông qua các quyết định phân chia khu vực giữa hai cường quốc.
+ Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát Đông Đức, Đông châu Âu, Bắc Triều Tiên, phía Nam đảo Xa-kha-lin.
+ Mĩ và Anh chiếm đóng và kiểm soát Tây Đức và Tây Âu.
+ Mĩ kiểm soát Nam Triều Tiên.
+ Trả lại cho Trung Quốc Đài Loan và Mãn Châu.
+ Công nhận độc lập của Mông Cổ.
+ Phương Tây kiểm soát Đông Nam Á và Nam Á.
- Những thỏa thuận trên đã trở thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới (trật tự hai cực I-an-ta) do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực.
II. Sự thành lập Liên hợp quốc
- Hội nghị I-an-ta còn có một quyết định quan trọng khác là thành lập một tổ chức quốc tế mới là Liên hợp quốc.
- Nhiệm vụ:
+ Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
+ Phát triển hữu nghị hợp tác giữa các nước trên cơ sở bình đẳng giữa các quốc gia.
+ Thực hiện sự hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân đạo.
+ Nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc là tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc.
- Hơn nửa thế kỉ qua, Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới, đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giúp đỡ các nước phát triển kinh tế văn hóa.
- Việt Nam tham gia Liên hợp quốc từ tháng 9/1977.
III. Chiến tranh lạnh
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển từ liên minh chống phát xít sang thế đối đầu. Đó là tình trạng “chiến tranh lạnh” giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh lạnh là chính sách thù địch về mọi mặt của Mĩ và các nước đế quốc đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
- Mĩ và các nước đế quốc chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự; thành lập các khối quân sự và căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; đàn áp phong trào giải phóng dân tộc.
- Thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới mới.
+ Các cường quốc lãng phí tài sản, của cải vào chạy đua vũ trang.
+ Rất nhiều người phải chung sống với dịch bệnh, đói nghèo, thiên tai…
IV. Thế giới sau chiến tranh lạnh
- Sau 4 thập niên chạy đua vũ trang, tháng 12/1989, Tổng thống Mĩ Bu-sơ (cha) và Tổng Bí thư Liên Xô Goóc-ba-chốp tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh. Tình hình thế giới có nhiều chuyển biến và diễn ra theo các xu hướng:
+ Hòa hoãn và hòa dịu giữa các nước.
+ Sự tan rã của trật tự 2 cực I-an-ta, thế giới tiến tới một trật tự thế giới đa cực nhiều trung tâm nhưng Mĩ lại chủ trương “thế giới đơn cực”.
+ Các nước điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
+ Nhiều khu vực xảy ra xung đột quân sự, nội chiến, đe dọa hòa bình ở nhiều khu vực.
- Xu thế chung hòa bình ổn định hợp tác phát triển kinh tế. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức của các dân tộc.