GIẢI BÀI TẬP: Chuyên đề Ngữ văn luyện thi vào lớp 10

Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?
Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
Hướng dẫn giải
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Học sinh có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Có thể đồng ý, không đồng ý hoặc đồng ý một phần về vấn đề. Sau đây là một hướng giải quyết đề bài.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận.
- Giải thích: Ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi tràn trề sinh lực (tuổi trẻ), cần suy nghĩ, hành động có nét riêng biệt, không giống những đối tượng xung quanh (sống khác biệt). Nhưng đây phải là sự khác biệt theo hướng tích cực.
- Bàn luận:
+ Tuổi trẻ là tuổi của khao khát thể hiện và khẳng định bản thân, tuổi dám nghĩ dám làm, luôn mong mỏi được cống hiến sức lực cho cuộc đời. Chính vì vậy, mỗi người trẻ phải tự tạo ra giá trị của chính mình bằng những nét riêng biệt, độc đáo chỉ mình mới có. Khi ấy, họ sẽ in dấu ấn của mình trên cuộc đời và trong tim mọi người. Còn nếu cứ sống mờ nhạt, họ sẽ hòa lẫn vào đám đông và chẳng được ai biết tới.
+ Tạo sự khác biệt không có nghĩa là cố nổi bật một cách lố lăng, phản cảm, cũng không được để những cái khác biệt của mình gây hại cho tập thể xung quanh,…
+ Phê phán những người trẻ không dám sống khác biệt cũng như những người trẻ có quá nhiều điều khác biệt ảnh hưởng đến cái chung của cộng đồng.
- Bài học nhận thức và hành động: Cần nhận thức tầm quan trọng của việc tạo ra sự khác biệt; từ đó có hành động cụ thể và đúng đắn để sống khác biệt
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm rõ vấn đề.
c. Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.